Thứ Bảy, ngày 01/07/2023, 23:03

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Nghị quyết 27-NQ/TW

TRẦN THỊ THANH MAI
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Sự ra đời của Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 09/11/2022 Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nguồn ảnh: https://baodantoc.vn/)

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quá trình đổi mới tư duy, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xác định ngày càng rõ hơn.Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[2; tr. 174]. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 27 - NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ra đời. Nội dung Nghị quyết là sự tập trung các quan điểm chỉ đạo về tình hình, mục tiêu, trọng tâm và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong giai đoạn mới. Bài viết tập trung phân tích một số quan điểm chỉ đạo sau:

1. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Quan điểm này thể hiện sự nhất quán về cơ sở lý luận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; về mục tiêu của cuộc Cách mạng XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là cuộc cách mạng vì con người và giải phóng con người. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải là sản phẩm của sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện xã hội mới. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”, “chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”[4]. Qua đó, có thể khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN không phải là một kiểu Nhà nước mới trong lịch sử, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN không làm thay đổi bản chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, các nội dung của Nghị quyết đều quán triệt quan điểm này, nhất là trong việc giải quyết mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Đồng thời, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân phải kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nghị quyết số 27- NQ/TW là nghị quyết đầu tiên khẳng định các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, sự ghi nhận này có ý nghĩa rất quan trọng trong chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là sự kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng trong suốt thời kỳ đổi mới, qua đó thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, Nghị quyết cũng khẳng định: “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là đặc trưng thứ nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để thực hiện, Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Toàn bộ nội dung Nghị quyết là sự kế thừa và phát triển các quan điểm và đường lối đổi mới đã được Đảng xác định trong các Văn kiện, như xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước: tiếp tục cải cách hành chính; cải cách tư pháp... Nhưng từng nội dung đã thể hiện sự phát triển trong nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thể hiện trong những yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như: trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, phải “phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả” thay vì cơ chế trong các văn kiện trước đây là “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hay “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” thay cho nguyên tắc “thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong các văn kiện trước đây...

Việc khẳng định quan điểm này hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong chỉ đạo thực tiễn. Một mặt, thống nhất định hướng trong công tác nghiên cứu lý luận, tránh dao động về nhận thức. Mặt khác, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

2. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nghị quyết số 27 - NQ/TW xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được “những thành tựu rất quan trọng”, nhưng Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra “những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài”, nhưng quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền “chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra”. Trong bối cảnh đó, Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã xác định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là “nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Toàn bộ nội dung của Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã thể hiện rất sâu sắc quan điểm này, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Trong đó, “tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” được xác định là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp. Nhiều yêu cầu đã được xác định trong Nghị quyết, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng như: đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng bằng các quy định công khai để nhân dân giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng...

“Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở”, hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"[2; tr. 27]. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.

3. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc

Sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó có thành tựu về nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam “thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn”; thành tựu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, như hệ thống pháp luật, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát trong thực hiện quyền lực nhà nước; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân... các điều kiện về kinh tế - xã hội đã thay đổi, như: trình độ dân trí, năng lực làm chủ của nhân dân; mức sống, thu nhập của nhân dân; lối sống, sinh hoạt của nhân dân ở nhiều nơi đang thay đổi để thích ứng với quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp...

Tất cả những thành tựu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và những thay đổi của xã hội đang tác động rất mạnh mẽ đến quá trình nhận thức, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, đòi hỏi chúng ta phải nhất quán “kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc”. Quan điểm này đã thể hiện xuyên suốt trong nội dung Nghị quyết, thông qua việc tiếp tục khẳng định những định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã được triển khai trong thực tiễn, nhưng có sự kế thừa và phát triển như thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước: “dưới sự giám sát của nhân dân”; Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng bảo đảm thượng tôn pháp luật; Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã xác định những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và ba trọng tâm, qua đó thể hiện tinh thần “tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc”.

4. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam

Lý luận về nhà nước pháp quyền là giá trị chung của lịch sử nhân loại. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới, có thể coi đó là xu hướng phát triển của thời đại. Nhà nước pháp quyền được nghiên cứu và tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng dưới góc độ chung nhất thì đó là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực hướng tới các giá trị chung như: bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm sự phân công rành mạch và kiểm soát hiệu quả việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cách thức thực hiện và mô hình nhà nước pháp quyền ở các quốc gia thì không thể giống nhau, mà phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế chính trị, truyền thống lịch sử, văn hóa... Tuy nhiên, hiện nay, có những lực lượng đã lợi dụng vấn đề Nhà nước pháp quyền như một công cụ can thiệp làm thay đổi thể chế chính trị ở các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Nhiều luận điểm sai trái phủ nhận thành quả xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu về dân chủ, nhân quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước... trong xây dựng nhà nước pháp quyền, việc “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế” là rất cần thiết giúp Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trên thế giới về các vấn đề trên. Nhưng Đảng chủ trương phải “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa[1].

Với những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua, đã có được những thành công đáng kể, vừa giữ vững được ổn định chính trị, vừa tiếp cận đến
nhiều giá trị chung phổ biến về nhà nước pháp quyền của thế giới nguyên tắc pháp quyền, thượng tôn pháp luật...

Kết luận

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là “vấn đề lớn, phức tạp và lâu dài”, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến “nhanh chóng, phức tạp”[2; tr. 22] hiện nay, những quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện của Đảng trong Nghị quyết số 27 - NQ/TW, Hội nghị trung ương 6, khóa XIII đã được nhất quán trong nội dung các quan điểm cụ thể về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới. Việc nâng cao nhận thức về các quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, tạo sự thống nhất trong nghiên cứu lý luận và hành động thực tiễn, kịp thời phản bác, đấu tranh mạnh mẽ với các luận điểm sai trái, xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền XHCN, sớm thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 27 - NQ/TW.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27 – NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ VI, Khóa XIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn


Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.